Bạn có biết sau khi say thì voi sẽ “lảo đảo”, Kangaroo “phê pha” nhảy vòng tròn, cá heo “bay bay” và còn rất nhiều hành động kỳ quặc sau khi say có 1-0-2 của động vật.
Các nhà khoa học sau khi trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, tìm hiểu thì đã phát hiện ra không chỉ con người mà kể những loài động vật cũng biết say xỉn. Hãy cùng Petcare24h tìm hiểu xem các loài động vật sau khi say xỉn và mơ màng thì sẽ có hành động thế nào qua bài viết dưới đây.
1. Voi hoang dã nhảy tưng tưng
Đã có nhiều tài liệu chỉ ra rằng, voi Nam Phi vô cùng thích say sưa. Chúng thường xuyên đi tìm kiếm một loại cây có tên là Marula mọc nhiều ở châu Phi, đặc biệt là Nam Phi. Khi quả của cây Marula chín, trái sẽ có màu vàng, ngọt không thua gì xoài.
Thế nhưng, trong quả Marula lại có chứa vài thành phần như nước lên men, nếu ăn quá nhiều thì sẽ khiến động vật bị “lảo đảo”. Không chỉ có con người mà nhiều loài động vật khác cũng rất say mê thưởng thức hương vị lên men ngọt ngào của loại trái cây này.
Chính thì thế mà rất nhiều loài động vật như voi, khỉ, lợn rừng, tê giác… lâm vào tình trạng “say quên trời đất” giống hệt con người.
Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà động vật học phát hiện từ ít nhất hai thế kỷ trước voi hoang dã đã biết say. Vào thập niên năm 1830, Adulphe Delegorgue – nhà tự nhiên học người Pháp đã mô tả lại hành động kì lạ của các loài voi sau khi chúng ăn quả của cây Marula: “Chúng nằm vật ra đất hay nhảy tưng tưng không thể kiểm soát”.
2. Kangaroo nhảy vòng tròn
Sau khi ăn phải cây anh túc, Kangaroo ở Tasmania đã ngã lăn ra và nhảy theo hình vòng tròn một cách mất kiểm soát. Tasmania là khu vực trồng nhiều cây anh túc nhất thế giới để phục vụ cho ngành dược phẩm.
Khi không còn thức ăn để ăn, những chú Kangaroo tại đây đã “đột nhập” vào những cánh đồng và ăn vụng quả anh túc. Sau khi ăn phải, Kangaroo sẽ trở nên “phê pha” và nhảy theo hình vòng tròn rồi ngã lăn quay ra đất.
Ngoài Kangaroo ra thì các loài động vật khác sau khi lọt vào cánh đồng thuốc phiện cũng có những hành vi bất bình thường. Một số con cừu sẽ đi vòng vòng và tạo thành những vòng tròn cừu sau khi ăn phải quả cây anh túc.
3. Cá heo “bay bay”
Cá heo thường có sở thích nhai các con cá nóc để được “nhấm nháp” chất độc mà trên người chúng tiết ra. Chúng sẽ cắn nhẹ con cá nóc rồi nhả ra, sau đó đẩy sang cho đồng loại cùng tận hưởng cảm giác hưng phấn sảng khoái được tạo ra từ chất độc chết người của loài cá này.
Khi thực hiện bộ phim tài liệu kể về loài cá heo, nhà làm phim John Downer đã chú ý đến điều này. Theo như ông chia sẻ, cá heo đã có biểu hiện “bay bay” khá rõ rệt sau khi nhai loài cá nóc.
Cá heo không thể rời mắt khỏi hình ảnh phản chiếu của mình trong nước và có những hành động ngộ nghĩnh như bơi lòng vòng, chơi đùa cùng với bạn. Và đây cũng là một trong những hoạt động giải trí quen thuộc của loài cá heo.
4. Tuần lộc thăng hoa qua nhiều cảm xúc
Tuần lộc sống ở phía Đông châu Âu đã từng đánh nhau để tranh giành loài nấm Amanita muscaria gây ảo giác và chứa độc tính cực cao.
Sở dĩ những chú tuần lộc tranh giành nhau loại nấm đó là bởi chúng muốn trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau sau khi ăn loại nấm này. Nấm Amanita muscaria được coi là độc dược và có khả năng gây chóng mặt với con người.
Để tránh nguy hiểm, người dân Xibia đã cho tuần lộc ăn nấm Amanita rồi uống nước tiểu của loài vật này để “phê pha.”
5. Báo đốm tự cọ xát cơ thể
Báo đốm ở rừng rậm Amazon thường ăn nho Yage – một loại cây gây ảo giác như để “đổi gió” sau chuỗi ngày dài ăn thịt. Giống như trường hợp người hít cần sa, báo đốm sẽ có những phản ứng, hành động kỳ lạ. Chúng sẽ đánh hơi, nhai, liếm, lắc đầu, tự cọ xát cơ thể một cách vô thức.
Không chỉ vậy, chúng sẽ nằm ra đất và ngắm nhìn thế giới xung quanh trong mơ màng. Loại nho này còn được người dân Tukano sử dụng làm chế phẩm gây mê và gọi là “mắt báo đốm”.
6. Chó nhìn chằm chằm vào không trung
Báo cáo cho thấy một số chú chó đã đi đuổi theo cóc để chúng tiết ra chất độc gây chết người, sau đó “hồn nhiên” liếm da của loài cóc này. Sau khi liếm chất độc, chú chó sẽ nhìn chằm chằm vào không trung một cách vô hồn.
Một số chú chó còn có biểu hiện nghiện nặng với chất độc tiết ra từ loài cóc. Nhận định ban đầu là chất độc tiết ra từ da cóc gây ảo giác cho chó, vì vậy dẫn tới tình trạng gây nghiện.